Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm mạnh thuế nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện quan trọng của dòng ô tô có dung tích động cơ dưới 2,0 L, từ mức 10%-30% hiện nay xuống chỉ còn 0%-5% kể từ năm 2016.
Theo đó, có đến bảy mặt hàng trong nhóm động cơ và các bộ phận được giảm thuế như hộp số, cụm bánh xe, bật lửa điện… Chẳng hạn giảm thuế nhập khẩu động cơ ô tô Hàn Quốc từ 20% xuống 3%. Bật lửa điện giảm thuế nhập khẩu theo hướng về 0% vào năm 2016.
Giảm nhiều hay ít tùy doanh nghiệp
Anh Trung Kiên, chuyên gia kỹ thuật của một công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và hiện quản lý một diễn đàn mua bán xe trên mạng, chia sẻ mấy ngày nay các thành viên của diễn đàn lẫn khách hàng bàn tán sôi nổi về thông tin trên. “Nhiều người hy vọng thuế giảm, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì giá xe có thể giảm theo” - anh Kiên cho biết.
Theo tính toán của anh Kiên, giá trị của động cơ thường chiếm trung bình khoảng 20% giá trị chiếc xe. Ví dụ giá dòng xe cỡ nhỏ hiện 400-700 triệu đồng/xe thì chi phí nhập khẩu động cơ 80-150 triệu đồng.
“Như vậy, nếu thuế nhập khẩu động cơ từ Hàn Quốc về Việt Nam từ mức 20%, giảm 17% xuống còn 3% thì tương ứng với đó các hãng xe trong nước tiết kiệm 14-25 triệu đồng/xe tiền thuế nhập khẩu. Căn cứ theo mức giảm thuế, nếu các hãng xe chịu giảm thì người tiêu dùng được mua xe rẻ hơn vào khoảng 15-25 triệu đồng/xe tùy loại xe” - anh Kiên phân tích.
Đồng quan điểm, ông Trương Kim Phong, Giám đốc marketing Công ty Ford Việt Nam, xác nhận chi phí động cơ chiếm khoảng 15%-20% giá thành một chiếc xe. Do đó, thuế động cơ giảm chắc chắn sẽ kéo giảm giá ô tô. Tuy nhiên, mức giảm nhiều hay ít, giảm bao nhiêu còn phụ thuộc vào từng hãng xe. Mặt khác, thường doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải nhập khẩu tới hơn 50% linh kiện, phụ tùng. Thế nên mức thuế linh kiện, phụ tùng giảm có lợi rất lớn cho hãng xe lắp ráp trong nước.
“Song song đó, việc giảm thuế cũng góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh cho xe lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực hiện có chi phí sản xuất thấp hơn so với Việt Nam” - ông Phong nhìn nhận.
Đại diện Công ty Cổ phần Trường Hải (Thaco) cũng nhìn nhận thuế giảm về mức 0%-5% sẽ khuyến khích các DN sản xuất, lắp ráp trong nước chuyển sang nhập động cơ Nhật Bản, Hàn Quốc. Khi đó ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam có thể cạnh tranh tốt với xe nhập khẩu sử dụng động cơ do các nước Thái Lan, Indonesia sản xuất.
Giảm nhưng vẫn còn cao
Nhiều DN, chuyên gia thừa nhận dù giảm thuế phụ tùng, linh kiện nhưng giá xe sản xuất và lắp ráp trong nước vẫn còn cao. Do vậy, người tiêu dùng chỉ thực sự được mua xe giá rẻ như các nước khi ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển mạnh, tỉ lệ nội địa hóa cao giống như Thái Lan hoặc Indonesia hiện nay. Còn nếu tiếp tục chỉ dựa vào lắp ráp, nhập khẩu và giảm thuế thì người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.
Đại diện Thaco nhận định: “Giảm thuế phụ tùng, linh kiện là cần thiết, bởi nó hỗ trợ phần nào cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Nhưng để có giá xe rẻ như các nước trong khu vực thì giải pháp quan trọng nhất là gia tăng tính sáng tạo, hàm lượng công nghệ cao, tăng sản lượng (Việt Nam đủ room để tăng thị trường lên 500.000 xe). Nếu đạt con số này thì ngành ô tô nước ta sẽ thay đổi rất lớn. Khi đó các hãng xe sẽ có các mẫu xe chiến lược, tăng được tỉ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất…”.
Tại diễn đàn DN Việt Nam 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy nhận định rằng tương lai của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các chính sách thuế và lệ phí của Chính phủ.
Nhóm này thông tin sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu ở Việt Nam vẫn chưa đạt mức mong đợi. Công suất sử dụng thực tế cũng mới chỉ đạt khoảng 30% tổng công suất thiết kế.
Đặc biệt, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam ước tính cao hơn 20% so với xe được nhập khẩu từ Thái Lan. Từ đó nhóm đề xuất loại bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được, đồng thời áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và minh bạch trong việc nhập khẩu xe nguyên chiếc.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng đề xuất những danh mục linh kiện nào Việt Nam chế tạo được rồi thì không nên giảm thuế, mà phải tăng thuế nhập khẩu để “bảo vệ”, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp trong nước. Còn những chi tiết không sản xuất được nên giảm thuế để hỗ trợ cho DN ô tô trong nước.
Trước những kiến nghị này, một quan chức Bộ Tài chính nói đồng quan điểm với kiến nghị bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô Việt Nam chưa sản xuất được, đồng thời sẽ đề xuất áp thuế thấp để thúc đẩy sản xuất.